Thursday, March 15, 2018

NHỮNG BÌNH LUẬN CHUNG QUANH VIỆC TT DONALD TRUMP CÁCH CHỨC NGOẠI TRƯỞNG TILLERSON (tin tổng hợp)




Đăng ngày 14-03-2018 

Hôm qua, 13/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo qua một twitter là lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ Rex Tillerson sẽ bị sa thải. Vì sao ngoại trưởng Mỹ lại bị cách chức ? RFI tiếng Việt xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) với ngoại trưởng Rex Tillerson trước khi có tin ông Tillerson thất sủng, Nhà Trắng, Washington, 12/06/017. REUTERS/Kevin Lamarque

Chuyên mục « Decryptage » của RFI có bài phỏng vấn bà Annick Cizel, giáo sư trường Đại Học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Ngạc nhiên về thời điểm ra quyết định
Trước hết trả lời cho câu hỏi, quyết định của tổng thống Mỹ có gây ngạc nhiên hay không, giáo sư Annick Cizel cho biết bà « tuy ngạc nhiên về thời điểm ra quyết định, nhưng không ngạc nhiên vì quyết định cách chức ông Rex Tillerson, bởi khả năng này đã từng được nêu lên ngay từ tháng 7/2017. Và kể từ đó đến nay đã có nhiều diễn biến, đã có những lúc ông Tillerson tưởng như sắp sửa phải ra đi.

Mới đây, ngoại trưởng Mỹ cho biết ông có ý định tại vị đến hết năm 2018, nhưng rồi Donald Trump bất ngờ đưa ra quyết định, đúng vào lúc Tillerson vừa từ châu Phi trở về. Hôm thứ Sáu tuần trước, John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng thông báo cho ông Tillerson, cần rút ngắn chuyến công du. Rex Tillerson hạ cánh tại sân bay Washington vào lúc 4 giờ sáng, để rồi đến khoảng 8, 9 giờ sáng thì nhận được tin mất chức thông qua một cú tweet, chứ không phải trực tiếp từ tổng thống ».

Cơ chế bí hiểm
Theo giáo sư Annick Cizel, việc bất ngờ cách chức ngoại trưởng Tillerson nằm trong cách điều hành chính phủ của ông Donald Trump, mà nhiều người gọi là « hỗn loạn ». Người ta không biết ai là người ra quyết định tại Nhà Trắng, phải chăng là các cố vấn của tổng thống, ví dụ như trường hợp con rể của tổng thống Trump, trong vấn đề di chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Trong trường hợp này, ngoại trưởng Tillerson đã phản đối, nhưng phản đối lại ai ? Không phải chỉ tổng thống Trump, mà cả với ông con rể Jared Kouchner.

Như vậy, việc điều hành chính phủ Mỹ đôi khi đã được phó thác cho các cố vấn được cho là nằm ở « vòng ba », « vòng bốn » của bộ máy quyền lực. Nhưng dù chịu ảnh hưởng của cố vấn này hay cố vấn kia, tổng thống Trump trên thực tế đã tự dành cho mình quyền quyết định đơn phương, tuyệt đối, vào bất cứ lúc nào mà ông ta muốn. Trường hợp Tillerson là một ví dụ mới.

Trump - Tillerson đối lập trong hầu hết hồ sơ
Việc ngoại trưởng Mỹ bị cách chức một phần cơ bản, được tổng thống Mỹ giải thích là do bất đồng trên một số hồ sơ, tuy nhiên, theo chuyên gia Annick Cizel « trên thực tế, họ đối lập nhau trên tất cả mọi vấn đề ». Bà nhấn mạnh :

« Khá kinh hoàng khi chúng ta điểm lại sơ qua các hồ sơ mà Donald Trump và Rex Tillerson có quan điểm đối lập. Từ Iran, đến Bắc Triều Tiên, rồi vấn đề Qatar, hay việc di chuyển sứ quán tại Israel…. trong đó có cả vấn đề danh sách các quốc gia Hồi Giáo, mà công dân các nước đó bị cấm vào Mỹ… Trên một thực địa đang biến động rất nhanh chóng như khu vực Trung Cận Đông chiến lược, nơi các căng thẳng rất dễ có tiềm năng bùng phát thành xung đột lớn, họ không đồng ý với nhau về gần như tất cả mọi chuyện ».

Bắc Triều Tiên : Bước ngoặt thương lượng
Một trong các chủ đề quốc tế gai góc nhất đối với ngoại giao Hoa Kỳ là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau nhiều áp lực, vận động, rốt cục ngày 8/3/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un để đối thoại về vấn đề « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ». Vấn đề là, ngoại trưởng Tillerson đã nhiều lần nêu sáng kiến đối thoại với Bình Nhưỡng, trong lúc tổng thống Trump liên tục đưa ra các phát biểu mang đầy tính đe dọa, như không loại trừ khả năng hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên.

Giờ đây khi Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, thì cũng là lúc lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ phải khăn gói ra đi. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề : Phải chăng chính quyền Trump đang chuẩn bị phương án không khoan nhượng với Bình Nhưỡng, với việc cử lãnh đạo CIA, Mike Pompeo, nổi tiếng về quan điểm « diều hâu » lãnh đạo bộ Ngoại Giao, thay thế ông Tillerson ?


Chuyên gia Annick Cizel cho biết, « tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 13/03, đã thông báo là đã quyết định mở ''đối thoại'' với Bình Nhưỡng, chứ không phải là ''đàm phán''. Đây là chính là vấn đề được thảo luận nhiều trong ba ngày gần đây, và có thể đây (tức sự khác biệt trong quan điểm về "đối thoại" giữa Trump và Tillerson - người viết) cũng chính là lý do ngoại trưởng Tillerson phải ra đi vào ''đúng vào thời điểm này'' », chứ không phải là một lúc nào khác.

Hiện tại ta vẫn chờ đợi câu trả lời chính thức của phía Bình Nhưỡng, nhưng rõ ràng là về cuộc hội kiến với lãnh đạo Bình Nhưỡng, tổng thống Mỹ chủ trương cần duy trì một đường lối nhìn chung là « sắt đá », với nhiều đe dọa, cụ thể là không loại trừ biện pháp quân sự, trước các nguy cơ tấn công tin tặc, hay phổ biến hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Cặp bài trùng giám đốc CIA và « diều hâu » Bolton ?
Việc bổ nhiệm nhân sự mới cho thấy đường lối cứng rắn của tổng thống Mỹ bắt đầu được triển khai. Theo nhà ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, kiến trúc sư của thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, hôm 12/03/2018, cho hay nguyên đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, ông John Bolton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, có thể sẽ có mặt trong chuyến công du Bắc Triều Tiên sắp tới. Trong những ngày gần đây, có nhiều tin đồn cho rằng cựu đại sứ Mỹ John Bolton sẽ thay tướng Herbert Raymond McMaster, cố vấn an ninh quốc gia (theo chuyên gia Annick Cizel).

Về phương hướng hành động của lãnh đạo CIA Mike Pompeo, người vừa được tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào cương vị ngoại trưởng, nhà báo Pháp Gilles Paris từ Washington, giải thích với báo Le Monde :

« Giám đốc CIA Mike Pompeo vốn có quan điểm khá hoài nghi về Bắc Triều Tiên, ắt hẳn do các nguồn tin nhận được từ cơ quan tình báo Mỹ. Trong một cuộc nói chuyện cuối tháng trước tại một viện tư vấn theo khuynh hướng bảo thủ ở Washington, American Entreprise Institute, ông Mike Pompeo tin chắc là việc chế độ Bình Nhưỡng cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân không chỉ nhằm « duy trì chế độ ». Lãnh đạo CIA cho rằng chế độ Kim Jong Un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân « để gây áp lực, nhằm mục tiêu tối hậu », đó là tái thống nhất Triều Tiên, đặt toàn bộ bán đảo này dưới sự cai trị của chính quyền Bình Nhưỡng.

Quan điểm của lãnh đạo tình báo Mỹ thậm chí còn cứng rắn hơn nhiều so với lập trường của tổng thống Mỹ (hồi năm ngoái, Mike Pompeo còn nêu ra khả năng thay đổi chế độ tại Bắc Triều Tiên, trong lúc tổng thống Mỹ liên tục nhắc lại là giải pháp này không nằm trong chính sách Bắc Triều Tiên của Washington) ».

Ngoại giao « sắt đá » thành chủ đạo
Theo chuyên gia Annick Cizel, quyết định lựa chọn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng trong năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump là chính sách của đảng Cộng Hòa, muốn chôn vùi di sản của người tiền nhiệm Obama, vốn đặt ngoại giao ở trung tâm của chính sách đối ngoại, trước cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Chính sách của đảng Cộng Hòa là quốc phòng là ưu tiên số một, tiếp theo đó là an ninh nội địa, còn ngoại giao bị đẩy xuống hàng thứ ba trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Theo đường hướng này, thì Tillerson tỏ ra là nhân vật lý tưởng. Tillerson sẵn sàng chấp nhận giảm mạnh ngân sách của bộ Ngoại Giao, cho dù Quốc Hội không đồng ý. Ngoại trưởng Mỹ cũng thi hành một chính sách ngoại giao kín đáo trong hậu trường, thúc đẩy đối thoại với Bắc Triều Tiên, có thể nói đã đạt được một số kết quả.

Thế nhưng, khi hồ sơ Bắc Triều Tiên hiện chuyển sang một bước ngoặt mới, việc duy trì một nhân vật có quan điểm bị coi là quá « mềm dẻo » đứng đầu bộ Ngoại Giao Mỹ không còn được tổng thống Trump chấp nhận. Với sự ra đi của ngoại trưởng Mỹ Tillerson, và rất có khả năng cố vấn an ninh quốc gia McMaster cũng phải mất chức, thay vào đó là nhân vật John Bolton còn cứng rắn hơn, chính sách ngoại giao « sắt đá » đang dần trở thành ưu tiên số một của chính quyền Donald Trump.

----------------------------------

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 15-03-2018

Ngày 13/03/2018, thông qua mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump thông báo sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson. Theo quan sát của giới chuyên gia, đây là có thể là một tín hiệu « khai tử » thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời gia tăng áp lực với các đồng minh châu Âu, những nước muốn bảo vệ thỏa thuận lịch sử này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị tổng thống Donald Trump thông báo sa thải vào ngày 13/03/2018 qua mạng Twitter. REUTERS/Jonathan Ernst/Pool

Để biện minh cho quyết định bãi nhiệm ông Rex Tillerson, tổng thống Mỹ đã nêu rõ điểm bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Mỹ như sau : « Khi quý vị nhìn vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tồi tệ, một thỏa thuận sơ sài ». Theo Donald Trrump, Hoa Kỳ phải làm việc với các đồng minh và các đối tác « nhằm chặn đường Iran đi tới vũ khí nguyên tử » và « chống việc Iran ủng hộ quân khủng bố ».

Một ngày sau khi có thông báo bổ nhiệm ông Mike Pompeo, giám đốc CIA và được cho là có tư tưởng « diều hâu », thay Rex Tillerson làm ngoại trưởng, chính quyền Teheran đã chính thức phản ứng, lên án Hoa Kỳ muốn « khai tử » thỏa thuận hạt nhân, theo như tường thuật của thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi tại Teheran :

« Đối với thứ trưởng Ngoại Giao Iran, ông Abbas Araghchi, Hoa Kỳ quyết tâm ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và những thay đổi bên trong bộ Ngoại Giao đã được thực hiện cho mục đích này. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên từ phía Iran về sự ra đi bất ngờ của Rex Tillerson, và nhất là vì Mike Pompeo, người thay thế ông Tillerson, được xem là nhân vật cứng rắn chống lại Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, dọa rút ra khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran vào tháng Năm, và cho biết hồ sơ Iran là một trong số những bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Rex Tillerson. Thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố : Nếu Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, chúng tôi cũng sẽ từ bỏ. Ông còn cho biết thêm là đã báo trước với các nước châu Âu rằng Teheran sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Hoa Kỳ rút ra khỏi văn bản này để rồi đưa ra các trừng phạt mới nhắm vào Iran.

Được Iran với các cường quốc gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ ký kết vào tháng 07/2015, thỏa thuận này quy định nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân của Teheran để bảo đảm chương trình này là vì mục đích hòa bình, đổi lại, Teheran được quốc tế dỡ bỏ một phần các trừng phạt. Tổng thống Trump đặc biệt chỉ trích tính chất tạm thời của những ràng buộc áp đặt đối với Iran, nhất là việc cho phép nước này tiến hành làm giầu uranium đến tận năm 2026, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran ».

Quyết định sa thải Rex Tillerson khiến một số chuyên gia tại Mỹ được AFP trích dẫn, quan ngại. Họ cho rằng đó là một điềm xấu đối với sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tai hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Mặt khác, theo AFP, đây còn là một lời cảnh báo mà ông Donald Trump gởi đến các đồng minh châu Âu, vốn dĩ không tin rằng tổng thống Mỹ sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sau ngày 12/05/2018.

Trong khi chờ đợi Thượng Viện Mỹ thông qua việc bổ nhiệm tân ngoại trưởng, ông Brian Hook, giám đốc phụ trách các vấn đề chiến lược của Rex Tillerson hôm nay 15/03 đến Berlin để thảo luận với các quan chức Pháp, Anh, Đức về việc thêm một số điều khoản vào thỏa thuận ban đầu đã được ký.

Châu Âu dường như chấp thuận bổ sung các điều khoản như hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và bỏ điều khoản giới hạn thời gian, với điều kiện là nội dung chính của thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Vấn đề là Hoa Kỳ và Iran có đồng ý với những bổ sung đó hay không ? Một điều chắc chắn là tổng thống Donald Trump không chấp nhận những « thay đổi bề ngoài » và muốn viết lại gần như toàn bộ văn bản này. Nếu vậy thì hiệp định hạt nhân Iran coi như đã bị « kết án tử hình ».

----------------------

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị cách chức
Hồng Phúc  -  PL&XH
Cập nhật: 10:02 | 15/03/2018

Sáng 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ thay Ngoại trưởng Rex Tillerson bằng GĐ cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) Mike Pompeo.

Truyền thông và giới chuyên gia đã ngay lập tức phân tích và dự báo về những tác động của quyết định “thay ngựa giữa dòng” này đối với chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ trong một số vấn đề.

Lý do cách chức

Tin Ngoại trưởng Tillerson bị cách chức được Tổng thống Trump thông báo trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 13-3 đã gây bất ngờ cho dư luận trong bối cảnh nước này và Triều Tiên dự kiến sẽ có cuộc gặp quan trọng vào tháng 5 tới.

Trong thư điện tử gửi tới một số PV nước ngoài tại New York, Viện Nghiên cứu chính sách Asia Society dẫn lời ông Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương và hiện là thành viên Asia Society cho rằng, Triều Tiên lâu nay vẫn nghĩ Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo độc đoán và những phụ tá của nhà lãnh đạo này hành động theo chỉ đạo của ông chứ không hề gây được ảnh hưởng đối với chính sách của ông. Do vậy, Triều Tiên không quan tâm đến việc tiếp xúc với ông Tillerson. Tuy nhiên, GĐ CIA là một vị trí mà người Triều Tiên hiểu rõ và tôn trọng. Điều đó tạo cho ông Pompeo lợi thế nhất định khi trở thành Ngoại trưởng.

Thư điện tử của Asia Society cũng dẫn lời ông Isaac Stone Fish, thành viên kỳ cựu của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Mỹ-Trung thuộc Viện Asia Society cho rằng so với ông Tillerson, ông Pompeo tỏ ra ủng hộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn và ít thiện cảm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hơn. Ngay cả khi chỉ trích Trung Quốc, ông Pompeo cũng có giọng điệu nhẹ nhàng. Ông nói rằng so với Nga và Iran, Trung Quốc "có khả năng trở thành đối thủ lớn nhất của Mỹ, lớn hơn bất kỳ đối thủ nào trong tương lai trung và dài hạn".

Tuy nhiên, ông Pompeo có quan điểm rất xác đáng về những khả năng của Trung Quốc trên thế giới. Ông cho rằng những nỗ lực ngầm gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu đáng ngại không kém Nga, và xét về mặt kinh tế, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với Nga.

Bộ Ngoại giao bị đe dọa quyền tự chủ

Theo trang mạng của CLB chính trị Valdai (Nga) ngày 13-3, ông Maksim Suchkov - chuyên gia của Valdai, cho rằng việc thay đổi lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ có nguy cơ khiến cho cơ quan này đánh mất quyền tự chủ trong việc đưa ra các quyết định và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Mỹ.

Việc cách chức ông Tillerson, thậm chí đã rộ lên thông tin từ năm ngoái, sau sự cố ầm ĩ giữa ông với Tổng thống Trump khi vị Ngoại trưởng này bị cáo buộc đã lăng mạ Tổng thống, gọi ông Trump là “thằng ngốc.” Tuy nhiên, giữa họ còn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng hơn về hầu hết các vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ - từ vấn đề Triều Tiên và thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cuộc khủng hoảng Qatar. Chuyên gia Suchkov nhận định, “trong tình hình như vậy, việc thay thế Ngoại trưởng Tillerson đã được chuẩn bị từ rất lâu, vấn đề chỉ là thời gian”.

Ông Pompeo có thể được mô tả là một “người đầy tớ trung thành.” Trong tình hình hiện nay, đối với Tổng thống Trump, ông Pompeo rất hữu ích với tư cách là cấp dưới, nhưng chức trách của ông có thể ảnh hưởng xấu tới định hướng chung trong chính sách đối ngoại của Mỹ và việc đưa ra các quyết định của nước Mỹ.

Chuyên gia Suchkov cho biết, theo lời Tổng thống Trump thì giữa nhà lãnh đạo này với ông Pompeo có mối liên hệ gần gũi hơn, điều này có nghĩa là Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều khả năng sẽ đánh mất một phần quyền tự chủ của mình trong việc đưa ra các quyết sách và tự biến mình thành công cụ quản lý. Tại Foggy Bottom, rất nhiều người đã thực sự không hài lòng với phong cách lãnh đạo và sự đổi mới của ông Tillerson.

Tuy nhiên, cũng không có nhiều người vui mừng khi ông Pompeo được trao trọng trách này, bởi vì điều này có thể dẫn tới sự suy thoái hơn nữa của Bộ Ngoại giao. Chuyên gia Suchkov cũng nhấn mạnh thêm rằng trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần thời gian để hiểu được những lo ngại này là hợp lý.

Trong khi đó, ông Vladimir Batjuk - lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu quân sự-chính trị của Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, nhận định rằng việc bổ nhiệm ông Mike Pompeo thay ông Tillerson sẽ không làm thay đổi chính sách của Washington đối với Moscow, đồng thời nhấn mạnh không nên chờ đợi chuyển biến tích cực nào đó trong quan hệ với Nga.

Ông Batjuk nêu rõ: "Nội dung chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ rất ít thay đổi. Giống như ông Rex Tillerson, ông Pompeo sẽ cố gắng theo đuổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump". Ông Batjuk lưu ý rằng cũng không nên chờ đợi thay đổi gì theo hướng quan hệ với Nga, bởi chính quyền Tổng thống Mỹ "bị trói tay rất chặt". Ngoài ra, ông Batjuk cũng cho biết thêm rằng quyết định của Quốc hội Mỹ áp đặt trừng phạt chống Nga "đang gây rắc rối phức tạp cho việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ, bất kể với chính quyền, Tổng thống, hay Ngoại trưởng nào chăng nữa".

Ít ảnh hưởng sự phối hợp Mỹ - Hàn
Trong khi đó, ngày 14-3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhận định việc Ngoại trưởng Tillerson bị bãi nhiệm là một “thay đổi đột ngột” nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ về các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc đánh giá việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thay thế người đứng đầu ngành ngoại giao ít có khả năng gây ra các vấn đề trong sự phối hợp ngoại giao giữa hai nước vốn luôn là đồng minh gần gũi của nhau này. Bà cũng từ chối bình luận về người thay thế ông Tillerson, nhưng bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ lâu dài khi Mỹ có Ngoại trưởng mới.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha sẽ hội đàm với ông Tillerson tại Washington vào ngày 16-3 tới, thảo luận một số vấn đề liên quan Triều Tiên trước khi diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều dự kiến vào tháng 4 và tháng 5 tới. Với sự thay đổi nhân sự này, Ngoại trưởng Hàn Quốc cho biết bà có thể sẽ điều chỉnh lại kế hoạch.

Pompeo quyết liệt hơn với Triều Tiên
Đối với Triều Tiên, chuyên gia Stone Fish cho rằng ông Pompeo có quan điểm quyết liệt hơn nhiều, và theo ông Fish, điều này có thể gây phức tạp kế hoạch của Tổng thống Trump tiến hành cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un. Ông Pompeo thậm chí đã bóng gió nói tới phương án ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Động thái này, cộng với những tin đồn đang rộ lên xung quanh việc nhân vật có quan điểm cứng rắn John Bolton có thể thay ông Herbert McMaster làm Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, có thể báo hiệu một sự thay đổi mạnh mẽ khác trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, làm gia tăng một cách đáng ngại nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng – điều ít ai mong muốn.

Tờ New York Times đăng bài viết cho rằng ẩn số lớn nhất trong quyết định đề bạt ông Pompeo là động thái này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Kể từ mùa hè năm ngoái, ông Pompeo đã nhiều lần cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un "chỉ còn vài tháng nữa" là đạt được khả năng tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Ông Pompeo cũng phụ trách một chiến dịch ngầm chống Triều Tiên, và trong một số dịp ông đã bóng gió nói đến chiến dịch này. Câu hỏi hiện nay là liệu nỗ lực ngầm đó - được cho là bao gồm kế hoạch phá hủy dây chuyền cung cấp cho Triều Tiên và khôi phục các cuộc tấn công mạng nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này - có kéo dài được đủ thời gian cho ông Trump tạo đòn bẩy và chiếm ưu thế trên bàn đàm phán hay không?

Tại Mỹ, CIA - dưới sự lãnh đạo của ông Pompeo - là cơ quan hoài nghi nhiều nhất khả năng ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong bài phát biểu tại trường ĐH George Washington hồi mùa thu năm ngoái, một trong những chuyên gia phân tích hàng đầu của CIA về Triều Tiên cho biết, theo quan điểm của cơ quan này, sẽ không có áp lực trừng phạt nào đủ mạnh để thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Những phụ tá của GĐ Pompeo cho biết ông có cùng quan điểm như trên. Điều này cho thấy, mặc dù tới đây Pompeo sẽ phụ trách các cuộc đàm phán với Triều Tiên, song ông đặt rất ít kỳ vọng vào sự thành công.

Trong khi đó, trang mạng USnews có bài viết cho rằng, ông Pompeo - nhân vật có quan điểm cứng rắn và trung thành với Tổng thống Trump, có thể khiến chính sách đối ngoại của Tổng thống khắt khe hơn nữa, khiến cho những quan điểm ôn hòa hơn càng khó được tiếp nhận tại phòng Bầu dục và làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao vốn đầy nhạy cảm với Triều Tiên.

Thách thức lớn nhất đang đợi ông Pompeo là thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un. Usnews dẫn lời ông Jon Wolfsthal - GĐ bộ phận chống phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhấn mạnh: "Ông Pompeo có thể quản lý Bộ Ngoại giao hiệu quả hơn so với người tiền nhiệm, song ông ấy chưa sẵn sàng quản lý việc điều phối chính sách ở quy mô khu vực hay toàn cầu - vốn cần thiết để cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim thành công”. Ông cũng cho rằng quyết định cách chức Ngoại trưởng ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có với Triều Tiên là không khôn ngoan và cho thấy “ông Trump không thể hành động một cách có chiến lược.”

Hồng Phúc

------------------------------------

LIÊN QUAN










No comments: