Thursday, March 22, 2018

BẢN TIN TỐI 22-3-2018 (Báo Tiêng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Việt Nam kiên quyết phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, theo VOV. Trả lời câu hỏi của PV về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện Đài Loan tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và gây phức tạp tình hình ở Biển Đông”.

Bên cạnh đó, Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, báo Zing đưa tin. Khi được hỏi về chuyện bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên biển sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, đối với một số vùng biển của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền” trái phép, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời:
“Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Chiều nay, một nhóm ngư dân Quảng Nam báo bị “tàu lạ” dùng súng uy hiếp, phá ngư cụ, theo báo Người Lao Động. Ngư dân Nguyễn Tấn Sơn kể rằng: Rạng sáng 18/3/2018, tàu cá của ông đang đánh cá ở vùng biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 16 hải lý thì bị một “tàu lạ” áp sát. Nhóm người trên “tàu lạ”, với một súng và 5 dùi cui điện, đã khống chế các thuyền viên, “bẻ gãy cột ăng ten bộ đàm có treo cờ Tổ quốc vứt xuống biển, đập, phá một số tài sản”.

Ngư cụ trên tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Sơn bị hư hỏng nặng. Nguồn: NLĐ


Vụ Mobifone mua AVG
LS Ngô Ngọc Trai bình luận thương vụ Mobifone -AVG: Khi nhà nước là bên mua. LS Trai cho rằng “vụ việc này là một điển hình về khuyết tật của một nền kinh tế còn kém tính thị trường”. Một loạt các luật như Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, Luật Quản lý không ngăn được thiệt hại trong vụ Mobifone mua AVG, vì “không chỉ một đơn vị mà một loạt cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an đều bị quy cho sai phạm”.

LS Trai cho rằng: Nền kinh tế thị trường đúng nghĩa “sẽ là môi trường kinh tế lành mạnh bảo vệ, bảo hiểm cho chính cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, giảm tránh đi những lầm lỗi vào một lúc nào đó mà sự dễ dãi ngon ăn của cơ hội dễ làm mờ mắt con người”.

Báo Dân Trí đưa tin: Sáng mai công bố toàn văn kết luận thanh tra Mobifone mua AVG. Nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết: “Việc tổ chức công bố toàn văn kết luận thanh tra dự án Mobifone mua AVG được thực hiện theo đúng trình tự và quy định của Luật Thanh tra”.

Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa: 5 lần đàm phán giữa Mobifone và AVG diễn ra thế nào?


Vụ xử Đinh La Thăng giai đoạn 2: Ngày thứ 4
Trong phiên xử sáng nay vụ góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù, theo VTC. Trong bản luận tội, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị mức án 18 -19 năm tù đối ông Thăng. Ông Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị mức án 17-19 năm tù. Ông Vũ Khánh Trường đối diện mức án 7-8 năm tù. Mức án đề nghị cho các bị cáo còn lại đều dưới 36 tháng tù.

Báo Đất Việt bàn về những lý lẽ của ông Đinh La Thăng. Theo đó, ông Thăng tiếp tục phủ nhận cáo trạng của VKS và lặp lại ý phản bác của ông trong mấy ngày qua: “Việc đầu tư vào Oceanbank của PVN đã đáp ứng đủ điều kiện cần và đủ là có sự đồng ý của Thủ tướng và đồng thuận của HĐQT. Chỉ khi Thủ tướng đồng ý thì PVN mới đầu tư”.

Bên cạnh đó, LS của ông Đinh La Thăng chỉ ra điểm quan trọng nhất vụ án, VTC đưa tin. LS Phan Trung Hoài phân tích: “Các bước làm của ông Thăng là đúng trình tự. Văn bản thống nhất về chủ trương của nội bộ PVN là không có giá trị pháp lý và phải có chủ trương như vậy mới có căn cứ để trình lên và xin ý kiến Chính phủ”.

Đến phiên xử chiều nay, các LS tập trung gỡ tội cho bị cáo Đinh La Thăng, theo báo Công Lý. LS Lê Văn Thiệp cho rằng “PVN là tập đoàn kinh doanh đa ngành, có quy mô lớn về vốn, có trình độ Khoa học công nghệ nên việc đầu tư vốn hoàn toàn đúng với chủ trương của Nhà nước. Việc PVN đầu tư đa ngành là thực hiện theo chủ trương của Đảng”.

Ông Đinh La Thăng cho rằng: Bị cáo chuyển công tác, mọi nghĩa vụ không còn gì, báo Công AN TP HCM đưa tin. Về chuyện Viện KSND TP Hà Nội xác định ông Thăng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại 800 tỉ của PVN, ông Thăng phản bác: “Vi phạm giao thông thì phạt người đi xe máy, chứ không thể phạt bố mẹ người đi xe máy đã mua xe”.



Vấn nạn tham nhũng
Báo Một Thế Giới có bài: Cái giá của niềm tin là sự tồn vong của dân tộc. Bài viết bàn về hậu quả của hiện tượng bộ máy công quyền thiếu liêm chính: “Khi niềm tin vào tính liêm chính của công quyền thiếu vắng, người ta coi hối lộ là chuyện đương nhiên. Chi phí dấu mặt quá lớn, doanh nghiệp không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, bao nhiêu thương vụ bị thất bại và bao nhiêu khách hàng đã rời bỏ Việt Nam?”

Bên cạnh đó, “các sự việc đại tham nhũng đã xảy ra và tích tụ hàng chục năm nay khiến niềm tin đã đổ vỡ quá nhiều”. Tình trạng “thái tử đảng” hay “cả họ làm quan” xảy ra ở nhiều tỉnh thành, địa phương vẫn đang “thách thức lòng kiên nhẫn của dân chúng”.   


Công an “nhân dân”
Báo Công Lý đưa tin: Thượng úy Công an bị kiểm điểm vì cấm phóng viên ghi âm khi tác nghiệp. Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu xác nhận rằng Thượng úy Trương Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội CSHS Công an thị xã Giá Rai đã bị kiểm điểm “vì có hành vi cấm phóng viên ghi âm khi tác nghiệp”.

Trước đó, trong buổi tiếp PV của Đội CSHS thị xã Giá Rai ngày 12/2/2018, Thượng úy Linh trả lời “không nghe, không biết, không thấy”. Bên cạnh đó, “Thượng úy Linh cấm phóng viên không được ghi âm cuộc trả lời về việc phản ánh trên”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Vụ thanh niên chịu án oan ở Cà Mau, TAND tỉnh Cà Mau quyết định tăng tiền bồi thường thêm 56 triệu đồng cho thanh niên bị tù oan, theo báo Người Đưa Tin. Nguyễn Vũ Ca, cùng 2 thanh niên khác bị oan “trong vụ án Cướp tài sản gây xôn xao dư luận ở Cà Mau”. Phiên tòa phúc thẩm hôm nay quyết định nâng số tiền bồi thường Nguyễn Vũ Ca lên tổng cộng khoảng 230 triệu đồng.

Báo Người Lao Động đưa tin: VKS nêu lý do “sốc” khi chậm xin lỗi người bị tù oan 386 ngày. Về chuyện “đã gần 2 năm trôi qua nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú của 3 thanh niên bị oan”, VKSND huyện Cái Nước đưa ra lý do: “Sơ suất nên chưa tiến hành”.


Vấn đề đất đai
Nhà báo Trung Bảo viết: Còn lại gì nữa! Bài viết bàn về tác động của dự án của tập đoàn Trung Thuỷ đối với làng chài Nam Ô, một trong các làng chài xưa nhất Đà Nẵng. “Nghề làm nước mắm Nam Ô giờ đây cũng chỉ còn leo lét khi cơn lốc đô thị hoá kéo đến. Làng chài xơ xác những ngôi nhà bị giải toả dang dở”.

Ông Bảo nhận định: “Nhân tâm chỉ là thứ vô giá trị với kẻ tham lam, nhũng nhiễu. Nhưng, cũng chính nhân tâm ấy ngày hôm nay xô đổ hàng rào chắn lối xuống biển thì ngày mai sẽ đạp ngã cái ghế của bọn quan lại lấy chữ ký bán rẻ thiên nhiên”.

Chuyện ở Gia Lâm – Hà Nội: Bị dân khởi kiện ra tòa, Chủ tịch huyện nói ”không phải việc lớn”, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Ông Lê Anh Quân, Đương kim Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, bị người dân kiện vì sai phạm “trong việc quản lý đất đai tại xóm 7 xã Ninh Hiệp”. Tuy nhiên, trước giờ xét xử, đại diện huyện Gia Lâm cho rằng “đó không phải là vụ việc lớn, báo chí chưa cần phải đưa tin”.

Báo Pháp Luật Plus đặt câu hỏi về vụ ở Bà Rịa – Vũng Tàu: Đất đang ở bị chính quyền cấp sổ đỏ cho người khác? Bài báo kể chuyện TAND TP Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử án không công bằng đối với gia đình ông Nguyễn Văn Thu “trong vụ tranh chấp đất với gia đình ông Nguyễn Đình Long và Nguyễn Thị Thuận”.


Chuyện “cát tặc”
Khi PV hỏi về tình trạng “cát tặc” ngang nhiên khai thác cát trên sông Trà Khúc, giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi trả lời: Báo chí phản ánh cát lậu ở đâu thì sở mới đến đó làm, báo Một Thế Giới đưa tin. Về chuyện “cát tặc” lấy cát trên sông Trà Khúc bán ra ngoài, giám đốc Đỗ Minh Hải cho biết:
“Cái này thì có nhiều lần chất vấn HĐND thì tôi cũng đã trả lời rồi, Sở chỉ quản lý ở nơi họ khai thác còn họ chở đi đâu thì trách nhiệm của các địa phương và ngành khác chứ sở chỉ quản lý nhà nước làm không nổi. Phòng Quản lý khoáng sản của Sở chỉ có 3 người, Phòng Thanh tra có 7 người nên làm không được”.


Karaoke tặc
Từ án mạng giết người do hát karaoke – ô nhiễu tiếng ồn: Sát thủ giấu mặt — Báo động về “karaoke… tặc” (kỳ 1). Hết lâm tặc, đinh tặc, cát tặc, quặng tặc… bây giờ tới karaoke tặc! Chưa kể địa tặc, hải tặc, ngân tặc, đạo tặc, tin tặc… hoành hành người dân xưa nay. Dưới thời “đảng tặc” nên có quá nhiều bọn “tặc” sinh sôi, nảy nở. Kiểu này làm sao dân tình sao sống nổi đây?

Nông nghiệp Việt Nam
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về nỗi sợ lớn nhất của người trồng tiêu: Giá nào mới là “thủng đáy”? Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, cho rằng: “Với đà này, giá tiêu sẽ còn giảm tiếp xuống mức 50.000 đ/kg, thậm chí có thể hơn nữa. Bởi… áp lực nguồn cung cũng như giá tiêu giao dịch trên thị trường thế giới sẽ có tác động không nhỏ tới giá tiêu ở Việt Nam”.  


Giáo dục Việt Nam
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Hiệu trưởng để tiền hỗ trợ HS bị ảnh hưởng Formosa cho GV nghỉ mát?. Bài báo cho biết: Ông Lương Viết Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Triệu Vân, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, Quảng Trị bị nhiều phụ huynh tố giác giấu “tiền ủng hộ học sinh bị ảnh hưởng sự cố môi trưởng biển do Formosa gây ra” và sử dụng số tiền này để… hỗ trợ “khoảng 17 giáo viên trong trường đi tham quan khu vực phía Bắc”.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Ai rải đinh trên con đường giáo dục? Về hiện tượng ngày càng nhiều giáo viên phải bỏ tiền “chạy việc”, bài viết cho rằng: “Bản chất sự việc là đưa và nhận hối lộ, hai hành động này đều vi phạm pháp luật. Nguồn cơn sự việc ở rất xa nơi nó xảy ra. Hay nói cách khác, đó chỉ là hệ lụy của một quá trình quản lý, định hướng giáo dục chưa thật đúng”.

LS Nguyễn Văn Đức cho rằng: Phải khởi tố, điều tra vụ hàng trăm thầy cô Krông Pắk suýt mất việc. LS Đức phân tích: “Nếu đúng như giáo viên tố có mất tiền để được tuyển dụng, ký hợp đồng, thì rõ ràng là có lợi ích về mặt vật chất, thì cần phải khởi tố vụ án, làm rõ về hành vi ‘Nhận hối lộ’.”

Thầy giáo Trần Vũ bàn về các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo. Thầy Vũ cho rằng: Phải có “Quy tắc ứng xử trong nhà trường”, giáo viên không để cảm xúc cá nhân tác động đến hình phạt dành cho học sinh. Bên cạnh đó, cần có các chức danh “Giám thị và Giáo viên tư vấn tâm lý học sinh”.


Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương
Hôm nay, VKS đính chính cáo trạng vụ chạy thận làm chết 8 người, theo báo Pháp Luật TP HCM. Bài báo cho biết: “Do sơ suất, tại phần quyết định của cáo trạng, VKS tỉnh đã không ghi rõ cụ thể về tội danh truy tố đối với từng bị can”. Trong phần đính chính, VKS quyết định truy tố BS Hoàng Công Lương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

BS Trần Văn Phúc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho rằng: Nên miễn trách nhiệm hình sự cho BS Hoàng Công Lương, Infonet đưa tin. BS Phúc phân tích: “Nguyên nhân trực tiếp gây nên hậu quả làm chết 8 bệnh nhân, là do nước lọc thận có pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Florua cao đến 260 lần so với mức cho phép”.

Cho nên, chuyện Bs. Lương tiến hành chạy thận khi chưa có biên bản bàn giao thiết bị, “thì đó không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả làm 8 bệnh nhân phải chết”.  

Báo Lao Động có bài: Hãy giữ cho bác sĩ Hoàng Công Lương lời thề Hippocrates. LS Trần Hồng Phúc kể lại câu trả lời của BS Lương khi được hỏi về trách nhiệm trong vụ tai biến chạy thận: “Em không nghĩ là của bác sĩ điều trị, điều dưỡng, lãnh đạo khoa hay lãnh đạo bệnh viện đâu, chắc nên là của bên bảo dưỡng”.

Facebooker Huỳnh Thanh Hiền viết“Bạn có biết? Ngay trong ngày nhận quyết định khởi tố (18/3/2018), Bs Lương vẫn bình tỉnh làm việc và đã cấp cứu thành công 2 bệnh nhân nặng, 1 ca đặt dẫn lưu màng phổi và 1 ca suy hô hấp trẻ nhũ nhi”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Trang PL&XH có bài tổng hợp, cung cấp nhiều thông tin về hiện tình chính phủ Mỹ: Mỹ đối mặt bờ vực khủng hoảng chính quyền nghiêm trọng. Về dự thảo thỏa thuận cấm tiết lộ thông tin (NDA) quy định, những người vi phạm sẽ bị phạt 10 triệu Mỹ kim cho mỗi lần tiết lộ thông tin mật mà báo Washington Post đưa ra, rõ ràng vi phạm Hiến Pháp Mỹ, tu chính án thứ nhất, về quyền tự do ngôn luận.

Bài viết có đoạn: “Các nhân viên Nhà Trắng không làm việc cho Tổng thống Trump. Họ làm việc cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, vì vậy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được cho là đối tượng thụ hưởng các thỏa thuận không tiết lộ thông tin“.

Vụ khủng hoảng Cambridge Analytica – Facebook, Mark Zuckerberge, CEO Facebook đăng bản tin cập nhật và những bước kế tiếp Facebook thực hiện về vấn đề quan trọng này. Facebook vẫn không xin lỗi về sự cố đã xảy ra. Phóng viên báo NYT, Anand Giridharadas đã chế nhạo bằng cách giúp Mark Zuckerberge viết lại, thêm vào những từ xin lỗi.

Zing có bài: Sau lời xin lỗi của Mark Zuckerberg: Kẻ cười cợt, người cảm thông. Thật ra đó chỉ là bản tin cập nhật, không phải lời xin lỗi vì không có chữ “xin lỗi” nào. Bài viết cũng dẫn lời Mark Simon của Fox News, viết: “Không ai đề cập đến chiến dịch của Obama, vốn đã sử dụng tất cả dữ liệu người dùng Facebook“.

Nhưng các cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Obama đã lên tiếng, nói rằng họ sử dụng các dữ liệu Facebook đúng cách. Đó là họ sử dụng công khai, minh bạch, người dùng cài app, các dữ liệu của app thu được không chia sẻ cho bên thứ 3. Ngoài ra, app này còn có chức năng nhắn tin cho bạn bè trong friend list, rủ nhau đi bầu. Hoàn toàn khác với cách thức mà Cambridge Analytica sử dụng trong chiến dịch tranh cử của Trump.


Nguyên thủ: Kẻ bị điều tra, người thì từ chức
Trong khi cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chính thức bị điều tra nhận tài trợ bất hợp pháp, thì ở Nam Mỹ, Tổng thống Peru từ chức giữa bê bối mua phiếu tránh luận tội. Chẳng những các lãnh đạo khác không chịu năn nỉ Tổng thống Pablo Kuczynski ở lại, mà ngay lập tức Peru có Tân Tổng thống sau khi ông Pedro Pablo Kuczynski từ chức. Thiệt là bạc bẽo quá!

Còn ở Slovakia, Thủ tướng và bộ trưởng công an Slovakia mất chức chỉ vì một nhà báo 27 tuổi bị giết. Ở những xứ “thiên đường XHCN”, cho dù có 10 nhà báo bị giết đi nữa, cũng sẽ không thấy ai từ chức, bởi những nước này do “đảng quang vinh muôn năm” lãnh đạo, từ chức kiểu này lấy đâu ra người thay thế?














No comments: