Thursday, October 12, 2017

NHÀ VĂN NGUYỄN THANH VIỆT, CÙNG 23 NGƯỜI, ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG "THIÊN TÀI" MacARTHUR (Viễn Đông Daily)




Viễn Đông Daily
Wednesday, 11/10/2017 - 10:08:54

Trong số 24 người được công bố thắng giải MacArthur năm 2017 có hai tiểu thuyết gia Mỹ, và một trong hai người này là ông Nguyễn Thanh Việt. Người kia là bà Jesmyn Ward.

Nguyễn Thanh Việt

Trong số 24 người được công bố thắng giải MacArthur năm 2017 có hai tiểu thuyết gia Mỹ, và một trong hai người này là ông Nguyễn Thanh Việt. Người kia là bà Jesmyn Ward.

Trong số 22 người còn lại, họ là các sử gia, nhạc sĩ, khoa họa gia điện toán, nhà hoạt động xã hội, và kiến trúc gia. Tất cả 24 người đều có khiếu sáng tạo trong lãnh vực của họ, và tiền thưởng của Quỹ MacArthur là nhằm hỗ trợ những người thắng giải được tiếp tục sáng tạo mà không phải lo lắng về vấn đề tài chánh.

Vì vậy mỗi người được MacArthur chọn năm nay sẽ được thưởng $625,000 Mỹ kim. Đây được gọi là tiền "trợ cấp thiên tài," và người thắng giải có thể dùng tiền cho nỗ lực riêng của họ mà không bị rằng buộc bởi bất cứ điều kiện nào từ Viện MacArthur. Tức là tiền tặng “free,” không điều kiện, không bắt buộc phải trả lại.

Viện MacArthur Foundation do vợ chồng John D. và Catherine T. MacArthur thành lập vào năm 1970, và là một trong 12 viện tư nhân lớn nhất tại Hoa Kỳ.

Chân dung của 24 người thắng giải MacArthur năm 2017. Hình ông Nguyễn Thanh Việt nằm ở hàng thứ ba, bên trái. Nhà văn thứ nhì được giải là bà Jesmyn Ward, người thứ hai từ bên phải ở hàng thứ nhất. Tất cả những người này là sử gia, nhạc sĩ, khoa học gia điện toán, nhà hoạt động xã hội, kiến trúc gia, hoặc tiểu thuyết gia. (Hình của Viện MacArthur)

Năm nay, 23 người thắng giải đều đang sống tại Hoa Kỳ rải rác ở các tiểu bang mà đông nhất là tại California, chỉ có một nghệ sĩ đang sống tại Bá Linh, Đức. Ông Việt là người Los Angeles, California, còn bà Jesmyn Ward hiện sống tại thị xã DeLisle, tiểu bang Missisippi.

Viện MacArthur cho biết các khoản tài trợ vô điều kiện này có mục đích "khuyến khích những người có tài năng xuất chúng theo đuổi những khuynh hướng sáng tạo, trí tuệ và chuyên nghiệp của riêng họ."

Jesmyn Ward được chọn vì đã viết những tiểu thuyết "phân tích những mối liên kết bền chặt của cộng đồng và tình yêu gia đình giữa những người Mỹ gốc Phi nghèo ở vùng nông thôn miền nam, trong bối cảnh những khả năng bị giới hạn và tiềm năng bị đánh mất".

Ông Việt được chọn vì "thách thức lại những mô tả phổ biến về cuộc chiến tranh Việt Nam và phân tích vô số những cách thức mà cuộc chiến vẫn tồn tại đối với những người đã phải ra đi".

Ông Việt, người thắng giải Pulitzer năm 2016 cho cuốn tiểu thuyết The Sympathiser (Cảm Tình Viên), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Viện MacArthur rằng ông "đã lớn lên đắm chìm trong những câu chuyện về cộng đồng người tị nạn Việt Nam ở California, và ý thức rằng đa số dân chúng Mỹ không nghe, không thấy những câu chuyện và chiều sâu cảm xúc" từ cộng đồng này.

Ông nói, "Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với cách người Mỹ nhìn thấy, hoặc không thấy, những người như tôi. Và tôi nhận ra rằng cách người Mỹ kể chuyện về cuộc chiến này đã xóa bỏ hoàn toàn kinh nghiệm của người Việt Nam. Tôi bắt đầu nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ của văn học là trao tiếng nói cho người không có nói tiếng và mang lại tính nhân bản cho mọi người, và điều này đặc biệt đúng đối với các sắc dân thiểu số ở đất nước này."

Cuốn tuyển tập truyện ngắn "The Refugees" của ông đã làm chính xác công việc đó, cố gắng nhân bản hóa người Việt Nam. Ông nói, "Nhưng cuối cùng tôi nhận ra đây là một nhiệm vụ chỉ mang lại thất bại, vì chúng ta đều là con người, tại sao chúng ta phải nhân bản hóa chính mình?"

Khi viết cuốn "The Sympathizer," Nguyễn Thanh Việt quyết định ông đang làm công việc để chứng minh bản chất nhân đạo của người Việt Nam. Ông nói, "Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là nhân bản hóa người Việt Nam, mà là đòi hỏi quyền lợi và đặc quyền chủ quan và nhận dạng bản sắc nhân đạo và vô nhân đạo phức tạp của cộng đồng đa số."

Ông hy vọng rằng từ công việc của mình - bao gồm cuốn "Nothing Ever Dies" là nghiên cứu khoa học phi hư cấu về ảnh hưởng của chiến tranh - mọi người sẽ nhận ra "sự cần thiết phải suy nghĩ và cảm nhận từ vị trí của những người không giống họ. Suy nghĩ và cảm nhận về những người mà chúng ta cho rằng giống với chúng ta là khuynh hướng tự nhiên của con người. Đó là điều rất nhân bản nhưng cũng rất thảm họa. Đó là một phần đưa chúng ta tới chiến tranh và xung đột, vì chúng ta không thể nghĩ thay quan điểm của người khác."

Quỹ MacArthur nói rằng tác phẩm của Nguyễn Thanh Việt "không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về kinh nghiệm của người tị nạn Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi căn bản về cách chúng ta có thể mô tả chính xác hơn và tỉ mỉ hơn về nạn nhân cũng như về kẻ thù của các cuộc chiến tranh khác."

Bà Jesmyn Ward từng thắng giải thưởng "National Book Award" năm 2011 với cuốn "Salvage the Bones," trong đó kể chuyện bốn anh chị em trong những ngày trước và sau cơn bão Katrina. 

Sau khi thông báo trao học bổng cho Jesmyn Ward, Quỹ MacArthur khen ngợi tác giả này vì "văn chương trong sáng và trung thực," trong đó cô "bắt được những khoảnh khắc đẹp đẽ, dịu dàng, nhưng cương quyết, trước một cuộc sống ảm đạm về xóa đói, nghiện ngập, kỳ thị, và giam hãm."







No comments: